top of page
  • Writer's picturena an

Then – Một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày


Đôi nét về dân tộc Tày:

Dân tộc Tày là một trong số những dân tộc “thuộc nhóm Thái-Choang ở Trung Quốc và Đông Nam Á”, có “tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai)”, sinh sống chủ yếu tại miền núi phía bắc Việt Nam, thuộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang,… Họ có đời sống tín ngưỡng dân gian rất phong phú, trong đó nổi bật nhất chính là tín ngưỡng Then.

Nguồn gốc tín ngưỡng Then của người Tày

“Then là bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ trời (phạ) của các cư dân Tày Thái nói chung”, còn “đại bộ phận các ông bà then cắt nghĩa Then là tiên, là môn tiên, là trời”. Sở dĩ các thầy Then có quan niệm như vậy bởi Then được sinh ra trên cái nôi là tín ngưỡng slien (Tiên), nói cách khác, “tín ngưỡng slien (Tiên) là khởi đầu của tín ngưỡng thờ Then”.

Then cũng là một thuật ngữ quen thuộc không chỉ trong nghiên cứu dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa học, mà còn là một khái niệm mang tính đại diện, tiêu biểu và hết sức quen thuộc trong đời sống thường ngày của đồng bào các tộc người miền núi phía Bắc nước ta. Ngày nay, khi nhắc đến các dân tộc Tày – Nùng – Thái là ta nghĩ ngay đến Then Tày – Nùng – Thái, ngược lại, khi nhắc đến Then, ta cũng nghĩ ngay đến những đặc trưng văn hóa và tín ngưỡng của các tộc người trên. Lý giải về nguồn gốc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “then” vốn là “thiên – trời”, là từ nhằm biểu thị các ý nghĩa liên quan đến trời.

Thờ trời là tín ngưỡng vô cùng phổ biến trong các tộc người ở khu vực Nam Trung Hoa và Đông Nam Á, bởi vậy mà người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái ở Than Uyên nói riêng cũng có quan niệm về Mường Then, nơi các vị thần sáng chế cai quản tự nhiên và xã hội. Các vị thần đó bao gồm 12 then lớn và 22 then nhỏ ngồi dưới chầu chực, mỗi then lớn có một trọng trách khác nhau, trong đó Then Luông là vị then lớn nhất làm chủ cõi trời. Như vậy, ở lớp nghĩa phổ quát nhất, “then” là trời, là các vị thần linh trên trời và cũng là từ để chỉ người đứng đầu Mường Trời. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày của người Thái, “then” còn dùng để chỉ những người thờ cúng các then (các vị thần linh trên trời), nên được gọi là các pú then, da then tức ông then, bà then. Ngoài ra, “then” còn được hiểu là một nghi lễ - nghi lễ Then, và những người trực tiếp thực hiện những nghi lễ đó chính là những ông then, bà then. Hay hiện nay, chúng ta còn bắt gặp những thuật ngữ mới là “hát Then”, “múa Then”. Thực chất, đây là những khái niệm phát sinh từ các hoạt động nghi lễ trong các nghi thức then. Bởi, trong quá trình làm then, các pú then, da then phải hát xướng, đôi khi là nhảy múa. Những lời hát, điệu múa đó không chỉ mang màu sắc tín ngưỡng linh thiêng, mà còn chứa đựng những ca từ hết sức gần gũi và nhân văn. Vì vậy, dần dần người Tày – Thái đã “trần thế hóa” những lời hát trong nghi lễ Then, biến chúng trở thành một hình thức nghệ thuật kết hợp hát – múa.

Đặc điểm Tín ngưỡng Then của người Tày

Khái niệm về Then có thể được hiểu rất rộng rãi. Tùy thuộc vào văn cảnh, nếu như nói đến Then ở khía cạnh là tín ngưỡng dân gian thì đây là một tín ngưỡng của đồng bào người Tày-Thái-Nùng (trong nghiên cứu này, tác giả tập trung chủ yếu vào bộ phận người dân tộc Tày), dùng đàn tính và các điệu hát phục vụ nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng, nếu nói đến Then khi nhắc đến con người thì đó là các ông bà Then, các thầy Then, những người của mường trời, của trời có trách nhiệm làm cầu nối giao tiếp giữa các đáng thần linh và con người, thông qua những thầy Then mà ước nguyện của con người được gửi gắm có thể đi tới nơi của các thần linh.

Trải qua quá trình du nhập, hội nhập và tiếp thu văn hóa Phật giáo cũng như Đạo giáo, Then đã không còn thuần túy là một tín ngưỡng độc lập của người Tày nữa, mà nay đã hình thành cho mình một hệ thống thần linh tương đối ổn định. Tuy rằng hệ thống thần linh của Then mới chỉ là những quan niệm ban đầu của đồng bào dân tộc Tày nhưng cũng đã có thể phân chia thành “ba lớp chính: Ngọc Hoàng và các thiên tướng, tổ nghề Then và dòng dõi Then, các thần linh địa phương (thành hoàng, thổ thần, tổ tiên)”. Sở dĩ tác giả nói rằng hệ thống thần linh có sự ổn định bởi tuy có thể phân cấp bậc thành ba lớp chính, nhưng số lượng các vị thần linh cũng như thứ bậc của các vị ấy trong ba lớp như thế nào thì vẫn là một câu hỏi lớn cần được nghiên cứu chuyên sâu.

Trong thế giới quan tôn giáo của mình, người Tày chia thế giới thành 3 cõi như sau: cõi Thiên (trời) là nơi sinh sống của Thần thánh và các linh hồn cõi âm; cõi Dương gian (địa, đất) là nơi sinh sống của con người; và cõi Tẩu Nặm (nước) là nơi của các vua Rồng sinh sống. Cõi Thiên ấy nếu không nhìn nhận đúng đắn sẽ sinh ra câu hỏi lớn: “lẽ nào linh hồn người chết và thần thánh được sống chung với nhau?”. Không hẳn đã là như vậy. Khi chúng ta xét qua điểm về cõi Thiên trong tín ngưỡng Then của người Tày (có thể hiểu ở đây là mường trời) với quan niệm về 2 tầng trời của người Thái thì ta có thể thấy rằng: Mường trời chia thành mường cao và mường thấp. Mường cao là nơi trú ngụ của các vị thần sáng chế, sáng tạo ra vạn vật. Ở mường cao sẽ có 12 then lớn và 22 Then nhỏ chầu chực cận kề. Còn ở mường thấp là nơi trú ngụ của các linh hồn người bình thường sau khi chết.

Đặc sắc nhất của diễn xướng Then đó chính là Lẩu Then. Bản thân Lẩu Then được biết đến với tên gọi là Then cấp sắc. Đây là nghi lễ “có quy mô tổ chức lớn nhất trong hệ thống các nghi lễ của Then, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc thuộc về phong tục tập quán và văn hóa cũng như nghệ thuật diễn xướng nghi lễ của người Tày”. Tuy nhiên, trong nghi lễ Lẩu cấp sắc này, việc sử dụng tiếng Việt và thậm chí cả Hán Việt là điều thường thấy. Đơn cử khi nghi thức mời tướng phép về soát đàn một lần nữa thì các bà Pựt thỉnh các tướng Phép bằng các câu thần chú:

“Mời tướng Phép đến điểm soát thêm

Nhà họ….có lễ sắc phong

Lễ đội mũ thăng cấp chức

Tướng Phép nhanh nhập vào tay

Không những Then phản ánh một cách hệ thống trí tưởng tượng phong phú của người dân, mà nó còn giữ vai trò lưu giữ lại văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, văn hóa dân gian của đồng bào. “Làm Then (tức là cúng Then) vừa là một hình thức cúng bái, vừa là một hình thức văn nghệ để cho mọi người đến thưởng thức” Bên cạnh đó, yếu tố tâm linh trong Then chính là một điều đáng được lưu tâm. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu đền bù hư ảo của một dạng tôn giáo nguyên thủy, mà nó còn mang lại cho đồng bào dân tộc nơi đây niềm tin vững chắc, chỗ dựa tâm linh trong rất nhiều tình huống. Then không chỉ giữ ai trò trấn mệnh cầu an cho những người bị hành, bị ốp mà nó còn là nơi các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tìm đến mỗi khi trong gia đình có việc quan trọng. Các nghi lễ Then thường rất phong phú. Từ kỳ yên giải hạn, khai bươn (lễ đầy tháng), cho đến đại lễ như lẩu cấp sắc, lẩu thăng cấp đều có sự xuất hiện của Then.

Then xuất hiện trong các nghi lễ của đồng bào người dân tộc Tày không chỉ trong lời ca câu hát, trong các lễ nghi nhang khói mà Then còn hiện diện với các điệu múa dân gian. “Múa trong Then có 3 hình thức là: múa tập thể, múa đôi, múa đơn”. Các điệu múa này nhanh hay chậm, uyển chuyển hay dứt khoát, nhịp nhàng hay mạnh mẽ đều dựa theo nhịp điệu của Then, của đàn tính.

Trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa Tày nói riêng, Then giữ một vị trí, vai trò vô cùng đặc biệt. Then không chỉ xuất hiện trong các nghi lễ của người Tày mà nó còn ngày càng tiến sâu hơn vào đời sống của nhân dân vùng núi phía Bắc và dần dần lan rộng ra cũng như tiến sâu hơn vào đời sống của nhân dân cả nước.

Then là tín ngưỡng dân gian quan trọng của dân tộc Tày, không những thế Then còn hiện diện như một loại hình âm nhạc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Then đã đem lại cho con người trí tưởng tượng phong phú và nguồn cảm xúc thẩm mỹ bất tận. Với nhiều người dân tộc Tày, Then dường như đóng vai trò quan trọng như chính cơm ăn, áo mặc, như chính hơi thở của họ hàng ngày.

4 views0 comments
Bài đăng: Blog2_Post
bottom of page